Nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động nói chung, và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ nói riêng. Bộ luật lao động năm 2019 đã có những quy định tiến bộ, đảm bảo các chế định về quyền con người theo Hiến pháp 2013 cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một trong số đó phải kể đến quy định về giờ làm việc cho lao động nữ mang thai. Chúng tôi xin cùng quý khách hàng tìm hiểu về những tiến bộ này.
Các công việc mà lao động nữ mang thai được giảm giờ làm
Bộ luật lao động 2019 đã mở rộng số lượng nghề, công việc mà lao động nữ mang thai được giảm giờ làm:
- Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Công việc mà ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.
Lao động nữ mang thai thuộc các trường hợp nêu trên sẽ được giảm 01 giờ làm việc trong ngày làm việc cho đến khi hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Lưu ý: Người lao động muốn hưởng chế độ trên phải thực nghĩa vụ thông báo cho người sử dụng lao động biết.
Như vậy, nếu luật quy định về giờ làm việc bình thường đối với người lao động theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật lao động 2019 là tối đa 08 giờ/ngày, 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, chức năng sinh sản của phụ nữ mang thai, thì lao động nữ trong trường hợp này được giảm giờ làm việc.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật lao động cũ, lao động nữ mang thai chỉ được giảm giờ làm việc khi đủ hai điều kiện:
- Làm các nghề, công việc nặng nhọc;
- Phải mang thai tới tháng thứ 7.
Quy định về làm ca đêm, làm thêm giờ với lao động nữ mang thai
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 người sử dụng lao động không được phép yêu cầu lao động nữ mang thai làm việc vào ban đêm hoặc làm thêm giờ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07;
- Lao động nữ làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mang thai từ tháng thứ 06.
Nếu lao động nữ chưa đủ số tháng mang thai từ 07 tháng hoặc từ 06 tháng trở lên, người sử dụng lao động vẫn có thể yêu cầu họ làm việc ca đêm hoặc làm thêm giờ. Tuy nhiên, trường hợp lao động nữ mang thai không có nhu cầu làm thêm giờ có quyền từ chối yêu cầu của người lao động theo quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019.