Tranh chấp thừa kế: Thời hiệu, thẩm quyền, cách thức giải quyết?

Theo quy định của pháp luật, mỗi cá nhân đều có quyền định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, quyền định đoạt này không chỉ được thực hiện thông qua việc chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn,… mà còn được thể hiện qua việc họ có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác. Song song với đó, pháp luật cũng công nhận mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc hưởng di sản mà người chết để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, do phong tục tập quán của người Việt Nam, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn đặt nặng mà quyền thừa kế của cá nhân vẫn chưa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến phát sinh tranh chấp về thừa kế. Vậy, trong trường hợp khi phát sinh các tranh chấp về thừa kế xảy ra, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về thời hiệu, thẩm quyền và cách thức nào để giải quyết những tranh chấp này?

Hy vọng qua bài viết này, quý bạn đọc có thể nắm rõ quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của mình khi có tranh chấp về thừa kế xảy ra.

Thứ nhất, đối với thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế

Tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rõ về thời hiệu yêu cầu giải quyết đối với các tranh chấp về thừa kế như sau:

– Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế: Đối với các tài sản như đất đai, nhà ở, công trình, tài sản gắn liền với đất,…(gọi chung là bất động sản) thời hiệu được xác định là 30 năm, các tài sản còn lại khác (động sản) là 10 năm.

– Đối với tranh chấp trong việc xác định hoặc bác quyền của một người được thừa kế tài sản của người chết để lại được xác định  là 10 năm.

– Thời hiệu để yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại được xác định là 3 năm.

Thời điểm bắt đầu của các thời hiệu này là thời điểm mở thừa kế, cụ thể đó chính là ngày mà người để lại tài sản chết hoặc được Tòa án xác định là chết trong Tuyên bố chết ( theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015).

Lưu ý:

Trường hợp yêu cầu phân chia di sản thừa kế với tài sản là bất động sản, thời hiệu 30 năm trong quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 được áp dụng kể từ ngày 1/1/2017 khi Bộ luật này có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện nay vẫn đang phát sinh những tranh chấp về phân chia di sản thừa kế của người chết từ trước ngày 1/1/2017. Trong những trường hợp này, thời hiệu được xác định theo hướng dẫn tại Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 5/1/2018 cụ thể như sau:

– Với những tranh chấp về di sản của người đã chết trước 1/1/2017, thời hiệu yêu cầu giải quyết cũng được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 là 30 năm tính từ thời điểm mở thừa kế.

– Nếu trường hợp người để lại tài sản đã chết hoặc được Tòa án tuyên bố chết trước ngày 10/9/1990 thì thời điểm bắt đầu thời hiệu 30 năm này được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể là được tính từ ngày 10/9/1990.

Ví dụ:

Anh A có bố là ông H mất từ ngày 2/3/1987 không để lại di chúc, ông H có tài sản chung với vợ là 1ha đất đã trồng cây lâu năm. Từ thời điểm ông H mất, diện tích đất này do mẹ và em trai B của anh A canh tác, quản lý. Đến năm 2003, mẹ anh A đã tặng cho toàn bô diện tích đất này cho B, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mang tên B. Đến năm 2019, anh A mới được biết điều này, và muốn khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của ông H.

Trong trường hợp này, ông H đã mất từ thời điểm ngày 2/3/1987.nhưng theo hướng dẫn tại giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 5/1/2018 thì thời điểm mở thừa kế sẽ được tính là ngày 10/09/1990. Như vậy, thời hiệu 30 năm để anh A thực hiện quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế sẽ được tính đến hết ngày 10/9/2020.

– Trong tranh chấp về phân chia di sản là nhà ở của người chết hoặc được Tòa án tuyên bố chết trước ngày 01-7-1991 thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ: Ông Lê Văn C mất từ ngày 1/11/1990 không để lại di chúc, ông C có tài sản chung với vợ là ngôi nhà 5 tầng, sau khi mất, ngôi nhà do vợ ông C và con trai cả A sinh sống, người con thứ 2 là anh B định cư ở nước ngoài. Đến năm 2018, anh B quay trở lại Việt Nam để giải quyết tài sản thừa kế của ông C thì được biết toàn bộ tài sản này đã được mẹ mình tặng cho anh trai, được UBND huyện X cấp GCNQSD đất mang tên anh A. Do đó, anh B muốn khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế mà ông C để lại.

Trong trường hợp này xác định ông C mất ngày 1/11/1990 do vậy thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông C sẽ là 30 năm được tính từ thời điểm ông C mất. Tuy nhiên, do người có quyền thừa kế của ông C có anh B đang định cư ở nước ngoài nên thời gian từ 1/7/1996 đến 1/9/2006 sẽ không được tính vào thời hiệu này.

Thứ hai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Việc phân định thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ tranh chấp dựa trên căn cứ tại các Điều 35, Điều 37, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

– Với các yêu cầu giải quyết tranh chấp mà tài sản thừa kế là đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất,… thì tài sản đó ở đâu sẽ do Tòa án cấp huyện nơi đó giải quyết. Các trường hợp khác (tài sản là động sản) sẽ do Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn hoặc nguyên đơn (nếu các bên có thỏa thuận bằng văn bản) giải quyết.

– Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tranh chấp có nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp.

Thứ ba, cách thức giải quyết các tranh chấp về thừa kế

Theo quy định của pháp luật, tranh chấp về đất đai bắt buộc phải qua hòa giải tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, trong tranh chấp về thừa kế, điều này là không bắt buộc (theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP). Do đó, các bên có thể trực tiếp thực hiện việc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp cho mình. Cách thức giải quyết tranh chấp về thừa kế tại Tòa án được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm các tài liệu sau:

– Đơn khởi kiện

– Chứng cứ chứng minh về việc quyền của người khởi kiện bị xâm phạm trong tranh chấp thừa kế

Ví dụ: Giấy tờ chứng minh người để lại tài sản đã chết; Giấy tờ về tài sản là di sản thừa kế; Giấy tờ thể hiện quan hệ của người khởi kiện với người chết;….

Bước 2: Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, thụ lý vụ án và thông báo về việc thụ lý

– Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó:

+ Kiểm tra hồ sơ và đơn khởi kiện hợp lệ, xác định đúng thẩm quyền giải quyết của mình

+ Thông báo người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp được miễn)

+ Thụ lý vụ án sau khi người khởi kiện nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí

– Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Tòa án phải thông báo đến các đương sự trong vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý

– Trên cơ sở thông báo của Tòa án, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể đưa ra ý kiến với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đối với Tòa án về vụ án

Bước 3: Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

Theo quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tóa án thực hiện tổ chức phiên họp để các bên đương sự thực hiện việc giao nộp những chứng cứ mà mình đã thu thập được, tiếp cận những chứng cứ của các đương sự khác qua đó làm sáng tỏ vụ án. Tiến hành hòa giải để xác định những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề còn mâu thuẫn cần Tòa án giải quyết.

Bước 4: Tòa án đưa vụ án ra xét xử

Sau khi tổ chức hòa giải cho các bên không thành, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015