Quy định của pháp luật về kéo dài thời hạn nâng bậc lương

​Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động (BLLĐ) 2012

– Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật lao

Theo quy định pháp luật về lao động, sẽ có 3 hình thức xử lý kỷ luật lao động theo điều 125 BLLĐ 2012  quy định:

Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.

3. Sa thải.

Ngoài ra điều kiện để tiến hành xử lý kỷ luật lao động theo hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương chỉ được tiến hành áp dụng nếu được quy định rõ trong nội quy lao động của cơ sở sử dụng lao động từ 10 nhân viên trở lên, theo đó:

Điều 119. Nội quy lao động

1. Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản.

2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự tại nơi làm việc;

c) An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;

d) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

đ) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.

3. Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

4. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

Hướng dẫn chi tiết, rõ ràng cho điều luật này, tại khoản 5 điều 27 nghị định 05/2015 quy định:

Điều 27. Nội dung của nội quy lao động

Những nội dung chủ yếu của nội quy lao động theo Khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

5. Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất: Danh mục hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật lao động; mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Để tiến hành biện pháp xử lý kỷ luật lao động, cần có sự tham gia của các bên có liên quan theo điều 123 BLLĐ quy định:

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

Tiếp theo, liên quan đến thời hạn chấp hành hình thức kỷ luật lao động, theo điều 127 BLLĐ 2012 quy định:

Điều 127. Xoá kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động

1. Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng, hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng, kể từ ngày bị xử lý, nếu không tái phạm thì đương nhiên được xoá kỷ luật. Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức cách chức thì sau thời hạn 03 năm, nếu tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì không bị coi là tái phạm.

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ, có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.

Theo đó, người lao động sẽ được giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động nếu có những sửa chữa, khắc phục được người sử dụng lao động chấp thuận hoặc đã được quy định trong nội quy lao động của công ty.

Để bảo vệ tối đa được quyền và lợi ích chính đáng dành cho người lao động, trong mối quan hệ giữa 1 bên yếu thế – người lao động đối với người sử dụng lao động, theo điều 128 BLLĐ quy định 1 số trường hợp cấm đối với người sử dụng lao động sẽ không được áp dụng 1 số hình thức xử phạt khác, theo đó:

Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

Trên đây là tư vấn của Luat nam Phát về Quy định của pháp luật liên quan đến hình thức xử lý kỷ luật lao động về kéo dài thời hạn nâng bậc lương. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng liên hệ với Luật Nam Phát để được tư vấn rõ hơn.